Ngữ Văn 11 | Ánh sáng và bóng tối trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” và “Chữ người tử tù”

Ngày 08/12/2021 09:46:49, lượt xem: 3817

Đề bài: Cảm nhận vềnh sáng và bóng tối trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” (Thạch Lam) và “Chữ người tử tù” (Nguyễn Tuân).

 



Bài làm Ánh sáng và bóng tối trong "Hai đứa trẻ" và "Chữ người tử tù"


Ánh sáng và bóng tối từ xưa đến nay luôn sắp đặt ở vị trí đối lập nhau, sự đối lập hoàn hảo. Hai thái cực tưởng chẳng bao giờ có thể dung hòa ấy nay lại được nghệ thuật hòa trộn với nhau, bổ sung nhau, nâng cao giá trị cho nhau. Trong hội họa, ánh sáng và bóng tối là một thủ pháp cơ bản được dùng để khắc họa con người và sự vật trong cuộc sống. Trong văn chương, ánh sáng và bóng tối cũng được sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật nhằm tạo dựng tình huống truyện, chuyển tải nội dung tư tưởng, chủ đề của tác phẩm và cũng chỉ có ở nghệ thuật, mới có khả năng làm những điều bất biến kia thay đổi theo một cách khác lạ, độc đáo hơn, hấp dẫn hơn. Cả Thạch Lam và Nguyễn Tuân đều mượn thế giới nghệ thuật để dung hòa cả ánh sáng và bóng tối, lấy chính ánh sáng và bóng tối làm điểm nhấn cho tác phẩm của mình.
Say xưa trên hành trình kiếm tìm cái đẹp, ngợi ca cái đẹp, Nguyễn Tuân và Thạch Lam, trong “Chữ người tử tù” và “Hai đứa trẻ”, ánh sáng và bóng tối được sử dụng không chỉ như một nguyên tắc tạo tình huống truyện mà còn vươn đến ý nghĩa biểu tượng. Trong văn học ánh sáng tượng trưng cho vẻ đẹp tâm hồn của con người, sự thanh cao thuần khiết, niềm hy vọng tốt đẹp. Còn bóng tối tượng trưng cho sự bế tắc, khốn khổ và cả những điều xấu xa. Việc sử dụng hai hình ảnh đối lập như vậy trong văn chương hẳn không quá xa lạ.
Trước hết, nghệ thuật ấy được thể hiện rõ nhất trong tác phẩm “Chữ người tử tù”. Nguyễn Tuân lấy cảm hứng từ thú vui chơi chữ tao nhã thời xưa để viết lên tác phẩm này, trong một tình huống đặc biệt mà người cho chữ là người tử từ còn người chơi chữ là viên quản ngục. Hai nhân vật này xuất hiện trong tác phẩm như một sự đối lập hoàn toàn về cả địa vị và vị thế. Cũng như ánh sáng và bóng tối, thậm chí là đối thủ trong một hoàn cảnh đặc biệt. Song chính vì sự đối lập hoàn toàn như: ánh sáng và bóng tối nên bản thân sự đối lập này cũng đã hàm chứa một sự tương liên, bổ sung cho nhau, thậm chí chuyển hóa từ tối ra sáng như một quy luật tất yếu. Đầu tiên là ánh sáng, có thể nói trong cảnh cho chữ ấy ánh sáng duy nhất chỉ có một ngọn đuốc soi sáng căn phòng. Ánh sáng ấy không thể rực rỡ mà chi đủ để huấn Cao có thể nhìn rõ mà viết chữ tặng quản ngục mà thôi. Thật vậy, nhà văn Nguyễn Tuân đã miêu tả thật chính xác cái ánh sáng ấy: ba con người chụm lại bên tờ giấy với ngọn đuốc đủ để thắp sáng cho Huấn Cao viết chữ. Thế mà bóng tối thì lại dày đặc, dường như ở đây không chỉ có sự tương phản giữa không gian cho chữ và không gian nhà tù, giữa người cho chữ và người nhận chữ thái độ của họ mà còn tương phản giữa ánh sáng và bóng tối. Chúng ta không thể nào quên được cái không gian bóng tối bao trùm ấy. Không gian toàn phân gián phân chuột ẩm thấp và ghê tởm, thế nhưng cái đẹp đã thăng hoa lấn át tất cả những điều đó. Lấy bóng tối để làm phông nền cho ánh sáng Nguyễn Tuân nhằm nói lên sự thức tỉnh của con người khỏi những “bản nhạc xô bồ” của cuộc sống kia, hướng con người tới niềm tin và hy vọng để vượt qua những lúc tăm tối nhất của cuộc đời.


ĐỌC THÊM Ngữ Văn 11 | Chí Phèo - một tấn bi kịch


Thạch Lam - vẽ nắng trong lòng người, đã mang đến cho văn đàn một làn gió mới khi “Hai đứa trẻ” bước lên thảm đỏ, tiến thẳng vào thế giới văn học và có thể nói nghệ thuật sử dụng ánh sáng và bóng tối đã giúp Thạch Lam lại một lần nữa ghi dấu ấn trong lòng độc giả . Hai hình ảnh đối lập ấy được sử dụng xuyên suốt tác phẩm, sở dĩ nói như vậy bởi ánh sáng và bóng tối được tác giả sử dụng trong cách xây dựng bối cảnh tác phẩm, nhân vật hòa vào trong các chi tiết nhỏ nhằm biểu đạt chủ đề của tác phẩm. Khung cảnh phố huyện trong bóng tối gợi không khí buồn buồn, hiu hắt, chậm chậm, đơn điệu của cuộc sống nơi đây. Có thể nói rằng qua những miêu tả của Thạch Lam chúng ta thấy được rõ nghệ thuật ấy nhất là cảnh chợ tàn. Hình ảnh của phố huyện trong tác phẩm hiện lên như một miền quê bị lãng quê hình ảnh khung cảnh chiều buông xuống gợi lên sự tàn lụi. Không chỉ thế mà khi nó về đêm khi những phiên chợ ồn ào kết thúc thì nó lại càng ảm đạm hơn. Nghệ thuật lấy ánh sáng để miêu tả bóng tối của Thạch Lam vô cùng thành công trong việc biểu đạt nội dung. Nhà văn tài ở chỗ nói ánh sáng nhiều hơn những người đọc vẫn thấy được sự dày đặc của bóng. Ánh sáng được nói đến như là hạt sáng, khe sáng, quầng sáng, bầu trời hàng ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh, ánh sáng từ ngọn đèn Liên, hột sáng từ những ngọn đèn chị Tí thế nhưng nó không thể nào đấu lại nhưng bóng tối kia khi mà Thạch Lam chỉ dành cho nó có mấy câu văn. “Tối hết cả, tối đường từ nhà ra ngõ đều thăm thẳm đen xì”. Ánh sáng từ đoàn tàu thì đã xuất hiện, nhưng ánh sáng thực sự, ánh sáng của sự khao khát hạnh phúc thực sự của những con người nơi đây thì mãi vẫn chỉ là trong những tâm thức mà không biết bao giờ mới thành hiện thực. Hình tượng ánh sáng và bóng tối ở “Hai đứa trẻ” khi đặt vào diễn biến nội tâm tinh tế, phức tạp của Liên trong cảm nhận độ dày của bóng tối từ chiều đến đêm khuya mới thấy rõ giá trị của nó, thấy được độ “khát thèm được chiếu sáng và được đổi thay” của hai đứa trẻ và những người dân nơi đây. Giá trị nghệ thuật và giá trị tư tưởng của tác phẩm vì vậy được nâng lên một tầm khác hẳn khiến Hai đứa trẻ của Thạch Lam trở thành một trong những truyện ngắn hay, đặc sắc của văn học Việt Nam.
Có thể nói chính nghệ thuật ấy là hình thức cao hóa biểu thị nội dung của tác phẩm, nghệ thuật sử dụng ánh sáng và bóng tối như một thủ pháp trong “Chữ người tử tù” và “Hai đứa trẻ” vừa có điểm giống nhau lẫn khác nhau. Cả hai tác giả đều sử dụng ánh sáng và bóng tối như một nguyên tắc đối lập, một thủ pháp nghệ thuật quen thuộc trong xây dựng tình huống truyện. Nhưng với Nguyễn Tuân ánh sáng và bóng tối vừa đối lập, vừa bổ sung cho nhau, đồng thời có sự chuyển hóa từ bóng tối ra ánh sáng. Nhân vật viên quản ngục khi được Huấn Cao khai sáng đã nghẹn ngào xin bái làm thầy đây chính là một minh chứng cho sự chuyển hóa sự đối lập. Ánh sáng và bóng tối ở đây từ nghĩa thực đã chuyển thành nghĩa biểu tượng. Đều hướng tới mục đích ngợi ca cái đẹp, nhưng cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân là cái đẹp thiêng liêng, sang trọng và có giá trị như một bảo vật văn hóa của dân tộc, như một kiểu chơi đẹp, thú uống trà, chơi chữ, một kiểu sống đẹp, một nhân cách đẹp... Chính vì vậy ánh sáng trong “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân là ánh sáng của chân lý, của cái đẹp của sự tài hoa, uyên bác, nên tác phẩm cũng được kết thúc đẹp bằng sự chiến thắng của ánh sáng và bóng tối, của thiên lương con người với cái xấu cái ác. Bóng tối ở đây vừa là cuộc sống tù đọng, quẩn quanh mòn mỏi âm u - là nét giống với bóng tối trong “Hai đứa trẻ” - nhưng nó cũng vừa đại diện cho cái xấu cái ác trong cuộc sống cũng như trong bản chất con người, điểm khác với truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam. Còn đối với Thạch Lam, bóng tối cũng mang nghĩa biểu trưng cho cuộc sống tù đọng, quẩn quanh nơi phố huyện vừa được sử dụng như phông nền chính để ánh sáng được hiện lên một cách nổi bật nhất. Đó là ánh sáng nơi phố huyện : “những quầng sáng giới hạn, nhỏ nhoi, leo lét, những hạt sáng…” tượng trưng cho số phận mòn mỏi của những con người nơi đây. Hay ánh sáng đô thị :vừa là quá khứ, vừa là tương lai, là miền mơ ước của hai đứa trẻ. Cuối cùng là ánh sáng con tàu: ánh sáng thức tỉnh đời sống tỉnh lẻ, như một cầu nối từ hiện tại về quá khứ , rồi hướng tới tương lai. Từ đây ánh sáng và bóng tối không còn mang nghĩa thực nữa mà mang nghĩa biểu tượng, biểu tượng của ước mơ, niềm tin khao khát vào cuộc sống tốt đẹp.

 

ĐỌC THÊM Đọc thử sổ tay dẫn chứng lớp 11 - Mảnh ghép văn chương


Khát khao cống hiến cho nghệ thuật, khát khao đi tìm và thể hiện những cảm giác mạnh mẽ dữ dội, cộng với chất nghệ sĩ đã phóng túng, tự do​​ cảm hứng thẩm mỹ của ông bắt nguồn từ cái đẹp lớn lao, cái cao cả, .... nên thủ pháp nghệ thuật cũng xây dựng dựa trên sự đối lập gay gắt, ánh sáng và bóng tối cũng được sử dụng nhằm miêu tả những tương phản mạnh mẽ, những chuyển biến bất ngờ, đột ngột. Đó vừa là một thủ pháp trong xây dựng tình huống truyện, vừa là sự dẫn dắt đi đến kết thúc của sự chiến thắng giữa chân lý, cái đẹp với cái xấu, cái ác. Thạch Lam thì trái lại ông chỉ hướng tới những điều bình thường, giản dị, nhỏ nhoi trong cuộc sống nên ánh sáng và bóng tối trong tác phẩm của ông không có sự chuyển biến dữ dội, bất ngờ như trong tác phẩm của Nguyễn Tuân.
Từ bé đến lớn, tôi đều mang trong mình một nỗi sợ mơ hồ đối với bóng tối. Thật vậy, tôi yêu ánh sáng, tôi ghét bóng tối. Dường như mọi điều xấu xa nhất, ghê tởm nhất trên cuộc đời này đều được bóng tối che đậy, giấu kín. Nhưng có lẽ tôi nhầm rồi, có những điều đẹp đẽ, những ước mơ hoài bão vẫn nảy sinh ngay tại nơi người ta vẫn cho là dơ bẩn nhất. Thứ giúp tôi hiểu ra lẽ ấy chẳng đâu ngoài văn học. Bước vào trang văn Thạch Lam, Nguyễn Tuân, tôi biết được rằng cái đẹp ngoài sáng đáng ngưỡng mộ bao nhiêu thì cái đẹp vươn lên từ bóng tối lại đáng trân quý bấy nhiêu. Qua đây ta khẳng định được một điều tác phẩm văn học hay thì thường có những nghệ thuật đặc sắc. “Hai đứa trẻ” và “Chữ người tử tù” xứng đáng là một trong những tác phẩm không thể bỏ qua.

 

Để tham khảo thêm nhiều bài viết hay, và chạy nước rút hiệu quả, hãy đăng ký sở hữu các đầu sách và đăng ký khoá học của HVCH nhé!

Link đặt sách: https://bit.ly/2ZPn5bZ

Link đăng kí khóa VIP lớp 12: http://bit.ly/KHOAHOCVANVIP2K4

Link đăng kí khóa VIP lớp 11: https://bit.ly/KHOAHOC2K5

 

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan